Vua Nhà Gỗ - Nhà Gỗ Đẹp Vua Nhà Gỗ - Nhà Gỗ Đẹp Vua Nhà Gỗ - Nhà Gỗ Đẹp
Giải mã phong cách Japandi (phần 2): Những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp tối giản nhưng tinh tế

24/06/2025 22:23

Giải mã phong cách Japandi (phần 2): Những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp tối giản nhưng tinh tế

Galaxy Centre

Giải mã phong cách Japandi (phần 2): Những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp tối giản nhưng tinh tế

Sau khi hiểu về nguồn gốc và tinh thần triết lý đằng sau phong cách Japandi, điều tiếp theo mà nhiều người quan tâm chính là: thiết kế Japandi thật sự trông như thế nào? Làm sao để bắt đầu một dự án nhà ở theo phong cách này? Japandi sử dụng ngôn ngữ thiết kế rất cụ thể từ bảng màu, vật liệu, đến cách bố trí ánh sáng và tỷ lệ nội thất. Mỗi chi tiết đều được cân nhắc để tạo ra một không gian vừa tiện nghi, vừa thư giãn, vừa mộc mạc nhưng vẫn đủ tinh tế. Trong phần 2 của loạt bài “Giải mã phong cách Japandi”, Galaxy Links sẽ cùng bạn phân tích chi tiết các yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc Japandi trong thiết kế nội thất để từ đó, bạn có thể áp dụng hoặc tùy biến cho chính không gian sống của mình.

 

Tổ chức không gian mở và linh hoạt

  • Không gian mở, luồng lưu thông tự nhiên

Thiết kế theo phong cách Japandi ưu tiên bố cục mở với các khu vực chức năng được kết nối liền mạch thay vì bị chia nhỏ bằng tường, vách ngăn nặng nề. Các hệ tủ thấp, vách lửng hoặc thiết kế chiếu sáng định hướng sẽ đóng vai trò “phân vùng mềm” cho không gian. Nhờ vậy, ánh sáng và luồn không khí có thể lưu thông tốt, tạo cảm giác rộng rãi và thoáng đãng hơn rất nhiều so với diện tích thực tế. Cách sắp đặt này cũng hỗ trợ tối đa cho hoạt động sinh hoạt trong nhà, giúp di chuyển thuận tiện, tránh va chạm.

     2. Thiết kế theo chiều ngang thay cho chiều cao

Một đặc trưng dễ nhận thấy của Japandi là sử dụng những đồ nội thất có chiều cao trung bình khá thấp. Ghế, bàn, giường, kệ thường được thiết kế gần với mặt sàn kế thừa tinh thần truyền thống Nhật Bản và kết hợp với những đường nét mộc mạc của Bắc Âu. Những ưu điểm của nó bao gồm:

  • Tăng khoảng trống phía trên khiến trần nhà trông cao hơn và không gian thoáng hơn.
  • Tập trung vào những vùng không gian tầm thấp phù hợp với mục đích thư giãn, nghỉ ngơi, giảm áp lực chiều cao đối với nhà nhỏ.
  • Dễ kết hợp với ánh sáng đệm và tầm nhìn mở, đặc biệt trong những căn hộ khép kín, studio hoặc nhà ống, nhà phố ở nước ta.

 

 

 

Sử dụng ánh sáng để tô điểm cho không gian

  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách có kiểm soát

Phong cách Japandi không đặt nặng việc mở cửa thật rộng để lấy sáng mà chú trọng cách điều tiết ánh sáng tự nhiên sao cho dễ chịu nhất. Rèm vải thô mỏng, cửa kính kéo dài sát sàn, cửa chớp hoặc giếng trời nhỏ đều là những phương án thường được sử dụng để dẫn ánh sáng vào nhà theo từng thời điểm trong ngày. Nhờ đó, căn phòng luôn đủ sáng nhưng không chói lóa, có chiều sâu mà không gây ảnh hưởng tới mắt. Đây là một đặc trưng của lối thiết kế tinh tế mà người dùng lâu dài sẽ cảm nhận rõ hơn mỗi ngày.

  • Ánh sáng gián tiếp nhẹ nhàng, không gây mỏi mắt

Không giống các phong cách hiện đại thường dùng đèn LED trắng gắt hoặc ánh sáng spotlight để tạo điểm nhấn, Japandi sử dụng ánh sáng như một lớp chất liệu mềm không nổi bật, không gây chói mà lan tỏa êm dịu. Ánh sáng gián tiếp từ đèn hắt tường, đèn cây thấp hoặc đèn bàn ấm vàng tạo nên bầu không khí thư giãn, phù hợp với nhịp sống chậm và nhu cầu nghỉ ngơi sau một ngày dài. Trong không gian nhỏ, việc xử lý ánh sáng kiểu này giúp làm mềm góc cạnh, che khuyết điểm và khiến căn phòng trở nên dễ chịu hơn mà không cần quá nhiều nội thất.

 

Bảng màu trung tính đặc trưng mang đến cảm giác ấm áp, sâu lắng

Phong cách Japandi sử dụng bảng màu thiên về trầm ấm, tự nhiên giúp không gian vừa nhã nhặn vừa ổn định. Các tông phổ biến gồm:

  • Trắng ngà, xám sương, nâu đất, be nhạt, xanh olive, đen mờ
  • Kết hợp tối đa 2 đến 3 gam màu chính, hạn chế sử dụng những gam màu có độ tương phản gắt.

Những sắc độ này đóng vai trò như “lớp nền tĩnh” để làm nổi bật chất liệu và hình khối nội thất. Đồng thời, chúng cũng xoa dịu cảm giác nóng bức vào mùa hè, dễ chịu vào mùa đông, rất phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Điều khác biệt của phong cách Japandi so với những thiết kế tối giản khác nằm ở cách sử dụng màu rất tiết chế, gần như trung hòa với nhau. Mỗi bề mặt tường, sàn, trần, rèm đều được chọn lọc kỹ lưỡng sao cho màu sắc chuyển tiếp mượt mà. Sự chênh lệch màu sắc thường chỉ ở cấp độ nhấn nhá, không dùng các gam màu rực rỡ, có độ bão hòa cao. Không gian vì vậy luôn giữ được sự sắc thái dịu êm, thư thái thích hợp với việc sinh hoạt, nghỉ ngơi trong thời gian dài. Đây là lý do nhiều người cảm thấy “dễ thở” ngay từ lần đầu bước vào một căn hộ được thiết kế theo phong cách Japandi dù diện tích khiêm tốn.

 

Vật liệu thô mộc còn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên

Vật liệu không chỉ là yếu tố hoàn thiện bề mặt mà là phần truyền tải tinh thần và triết lý sống của thiết kế Japandi vào không gian. Những chất liệu như gỗ sồi sáng, đá phiến nhám, vải linen, cotton thô hay gốm nung không tráng men thường xuyên được sử dụng để nhấn mạnh cảm giác gần gũi, sống động.

Thay vì sơn phủ hoặc đánh bóng kỹ lưỡng, nội thất trong phong cách Japandi được xử lý rất tinh tế để giữ lại kết cấu thật của vật liệu. Gỗ vẫn còn những đường hằn lõm của vân, gốm để lộ vết nung, vải dệt sợi tự nhiên. Chính sự mộc mạc ấy giúp người dùng cảm nhận rõ ràng hơn tính chân thực, độ bền và hơi thở thiên nhiên trong từng góc nhỏ của căn nhà. Lý do không nằm ở nguyên tắc thiết kế mà từ kinh nghiệm sử dụng. Những bề mặt này phản chiếu ánh sáng nhẹ hơn, tuổi thọ cao và thân thiện môi trường.

 

Sử dụng nội thất với đường nét rõ ràng, cân bằng giữa hình dáng và công dụng

  • Hình khối đơn giản, đường nét tinh gọn

Thay vì sử dụng những hình khối phức tạp, nội thất phong cách Japandi tập trung vào tỉ lệ khối, hình dáng, đường nét mạch lạc. Ghế lưng thấp, bàn mặt mỏng, kệ dáng ngang…,tất cả đều có hình thức gọn gàng, không có chi tiết thừa. Đường nét thường là thẳng, dứt khoát với mép bo nhẹ vừa đủ để làm mềm tổng thể. Thiết kế này giúp không gian thanh thoát hơn, tránh được những yếu tố rườm rà, nặng nề. Đây là giải pháp lý tưởng cho những căn hộ có diện tích hạn chế.

  • Ưu tiên công năng sử dụng và trải nghiệm thực tế

Phong cách Japandi không hướng đến việc trưng bày nội thất như vật trang trí. Mỗi món đồ đều được chọn hoặc đóng theo đúng nhu cầu sử dụng: ngồi đủ lâu không mỏi, chứa được nhiều nhưng không cồng kềnh, lau dọn dễ dàng mà không bị biến đổi quá nhiều. Đây là thiết kế dựa trên sự thấu hiểu về lối sống và thói quen sinh hoạt. Ví dụ: bàn ăn đủ ánh sáng, tủ kệ giấu gọn dây điện, ghế đặt đúng tầm nhìn ra cửa sổ. Vì thế, Japandi luôn được ưa chuộng bởi các gia chủ bận rộn, sống nhiều trong nhà nhưng không thích trang trí quá cầu kỳ để rồi phải giữ gìn “từng li từng tí”.

 

Điểm nhấn không lớn nhưng luôn có cá tính

Phong cách thiết kế Japandi ko nhấn nhá bằng những mảng màu chói hay hình khối gây chú ý. Các nhà thiết kế thường chọn một món nội thất có chất liệu khác biệt như gốm đen nhám, vải linen sậm màu hay một chi tiết gỗ sần lạ mắt để nên điểm nhấn cho không gian.

Sự tương phản ở mức độ nhẹ, bố trí lệch trục vừa đủ… chính là cách Japandi thêm chiều sâu cho không gian mà không phá vỡ sự tĩnh tại vốn có. Người ở trong nhà sẽ cảm thấy thú vị khi phát hiện những điểm khác biệt thú vị ấy, không ồn ào nhưng đủ để ghi nhớ.

 

Khoảng trống được thiết kế có chủ đích

Không gian phong cách Japandi luôn có những khoảng trống. Việc giữ lại những vùng trống giữa ghế và tủ, từ sàn đến chân đèn hoặc một mảng tường không treo gì cả là thiết kế có tính toán để tạo “khoảng thở” cho căn phòng. Khoảng không ấy giúp căn nhà nhẹ hơn, linh hoạt hơn và tối ưu trải nghiệm thư giãn nâng cao của gia chủ. Càng sống lâu trong không gian có khoảng trống hợp lý, ta càng thấy tâm trí được tỉnh táo, thả lỏng tự nhiên mà không cần thêm bất kỳ tiện nghi nào.

Mỗi yếu tố trong phong cách này đều hướng về mục tiêu cuối cùng: tạo nên một không gian sống nhẹ nhàng, tiên nghi, và hỗ trợ tinh thần, cảm xúc, sức khỏe mỗi ngày. Không cần phô diễn, Japandi giữ vững chỗ đứng nhờ khả năng kết nối sâu sắc giữa thẩm mỹ và công năng.

 

Trong phần 3 của loạt bài, Galaxy Links sẽ cùng bạn đi khám phá cách ứng dụng Japandi trong không gian sống thực tế. Nếu bạn đang muốn kiến tạo một không gian tinh giản, ấm cúng mà vẫn mang dấu ấn riêng, hãy liên hệ với Galaxy Links để được tư vấn giải pháp phù hợp nhất!

Ảnh: Galaxy Links, Internet

(còn tiếp)