21/06/2025 22:21
Hiểu đúng - Phối chuẩn: 6 bí quyết phối màu nội thất hiệu quả như kiến trúc sư (Phần 3)
Hiểu về màu sắc trong thiết kế nội thất không dừng lại ở việc chọn được màu đẹp mà là biết cách phối màu sao cho phù hợp với ánh sáng, chất liệu, và cách không gian vận hành trong thực tế. Tiếp nối phần 1 và 2 của loạt bài “Cẩm nang màu sắc”, ở phần 3 này, chúng tôi đã tổng hợp những bí quyết sử dụng màu sắc đã được áp dụng thành công trong hàng trăm dự án thực tế của Galaxy Links.
1. Bắt đầu từ nhu cầu mong muốn thực tế chứ không phải màu yêu thích
Bạn không nên chọn màu dựa vào những lời khuyên về màu nào đang thịnh hành hay phối thế này mới đúng “sang chảnh”. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng câu hỏi rõ ràng hơn: “Tôi muốn dùng không gian này để làm gì? Không gian này tạo cảm giác gì mỗi khi bước vào?”. Yêu cầu càng chi tiết thì định hướng phối màu một càng chuẩn xác. Nếu bạn dùng phòng để thư giãn, hãy ưu tiên các tông trầm nhẹ, độ tương phản thấp, ánh sáng ấm. Nếu sử dụng đa chức năng thì các tông lạnh sáng như xanh nhạt hoặc ghi trung tính sẽ hiệu quả hơn. Tại Galaxy Links, chúng tôi luôn bắt đầu quy trình chọn màu sắc bằng một buổi trò chuyện để hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của gia chủ, từ đó chọn màu phù hợp chứ không đơn thuần là “màu đẹp”. Việc xác định rõ nhu cầu giúp bản thiết kế có tính cá nhân hóa cao hơn và sử dụng được lâu dài hơn.
2. Giới hạn bảng màu tối đa 3 nhóm chính để tạo sự cân bằng
Không gian càng nhiều màu thì càng khó phối và dễ bị quá tải. Trên thực tế, những không gian có thiết kế ấn tượng thường giới hạn chỉ trong 2 đến 3 nhóm màu chủ đạo, nhưng được điều chỉnh linh hoạt về các yếu tố như sắc độ, vật liệu và ánh sáng. Công thức phối màu phổ biến và dễ áp dụng nhất là 60 - 30 - 10: 60% là màu nền (tường, trần, sàn), 30% là màu phụ (nội thất lớn), và 10% là màu nhấn (tranh, gối, phụ kiện). Tuy nhiên, Galaxy Links không áp dụng máy móc công thức này mà thường sẽ sáng tạo theo không gian. Với căn hộ nhỏ, tỉ lệ là 60 - 35 - 5 hoặc thậm chí chỉ dùng hai tông cũng đủ tạo chiều sâu. Bản chất của việc giới hạn màu sắc là để đảm bảo sự nhất quán giữa chi tiết và tổng thể không gian.
3. Luôn phối màu trên cùng một chất liệu
Một trong sai lầm khi phối màu là chỉ chọn màu từ hình ảnh tham khảo mà bỏ qua yếu tố vật liệu. Cùng một tông màu nhưng khi đặt lên bề mặt gỗ, đá, vải, kim loại... cảm giác sẽ hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, màu be trông rất nhẹ nhàng trên bề mặt láng mịn, nhưng khi đi kèm vải nhung lại tăng thêm sắc thái, hoặc nếu là đá marble lại cho ra cảm giác sạch sẽ, nguyên bản của vật liệu. Khi Galaxy tư vấn cho khách hàng, chúng tôi thường dựa vào kinh nghiệm và những sản phẩm thực tế để thiết kế đó sẽ “thật” ra sao. Phối màu thành công và “giống thật” nhất đồng nghĩa với việc đặt màu sắc vào một chất liệu phù hợp.
4. Lặp lại màu nhấn ở ít nhất 3 vị trí
Màu nhấn là chìa khóa tô điểm cá tính và chiều sâu cho không gian, nhưng nếu chỉ xuất hiện một lần (như một bức tranh đỏ giữa không gian trung tính), nó sẽ dễ rơi vào cảm giác “lạc quẻ”. Mẹo ở đây là sử dụng màu nhấn lặp lại ít nhất ở 3 chi tiết nhỏ trong không gian như gối tựa, tranh treo, lọ hoa, hoặc tay nắm cửa. Chỉ cần mỗi chi tiết xuất hiện cùng một tông (cùng sắc đỏ, nhưng khác chất liệu: sơn mờ, gốm, vải), không gian sẽ được kết nối vô cùng tự nhiên. Một cách Galaxy Links thường dùng là thiết lập trục màu nhấn theo hướng: ví dụ từ sofa đến góc bàn ăn, rồi đến đèn thả ở bếp. Cách lặp có chủ ý như vậy tạo nhịp điệu và định hình tầm nhìn, giúp người xem cảm nhận không gian một cách liền mạch và có bố cục rất rõ ràng.
5. Kiểm tra bảng màu dưới cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo
Nhiều người chọn màu sơn hoặc vải nội thất dưới ánh sáng ở showroom nhưng không kiểm tra lại màu và cường độ ánh sáng ở nhà. Ánh sáng vàng ấm (2700–3000K) và ánh sáng trắng lạnh (5000K trở lên) có thể làm biến đổi tông màu tới 30 đến 40%, nhất là các màu trung tính như be, ghi, xanh nhạt. Trước khi chốt phương án với khách hàng, Galaxy Links luôn thử nghiêm để điều chỉnh sao cho phù hợp với ánh sáng thực tế nhất, tránh tình trạng “màu đẹp trong studio nhưng khác xa ở ngoài”. Một số bị quyết được các kiến trúc sư của chúng tôi khuyên dùng là:
6. Sử dụng những sắc độ khác nhau của cùng một màu sắc
Với nhà ở hiện đại, các không gian thường liên thông giữa phòng khách, bếp, phòng ăn để tận dụng diện tích. Nếu mỗi khu vực bạn chọn một tông màu riêng thì kết quả có thể sẽ gây rối mắt và mất đi tính liên kết đặc trưng của không gian mở. Vì thế, giải pháp ở đây là sử dụng một tông màu nhưng thay đổi sắc độ đậm nhạt khác nhau hoặc trên nhiều chất liệu để phân chia khu vực chức năng. Ví dụ: không gian chính dùng sơn tường màu ghi nhạt, khu vực ăn dùng giấy dán tường ghi đậm hơn, góc bếp vẫn giữ tông ghi nhưng chuyển sang chất liệu gạch ốp. Nhờ đó, cả căn phòng lớn được định hình chức năng rõ ràng và vẫn giữ được màu sắc đồng bộ. Galaxy Links ứng dụng kỹ thuật này rất nhiều trong các thiết kế phong cách Nhật Bản Japandi và Bắc Âu tối giản.
Lời kết
Chọn màu đẹp cho nội thất không phải là sở thích nhất thời hay theo công thức sẵn có. Nó là kết quả của quá trình quan sát kĩ hiện trạng, hiểu rõ thói quen sử dụng, thử nghiệm vật liệu thực tế và đặc biệt là điều chỉnh theo ánh sáng và mối liên kết giữa các không gian. Những bí quyết Galaxy Links đã chia sẻ ở trên là kinh nghiệm đúc kết qua rất nhiều dự án thực tế. Chúng tôi tin rằng mỗi không gian đều có một ngôn ngữ riêng và màu sắc là điều thể hiện rõ nhất. Vì vậy, chúng tôi luôn phối màu theo phương án thiết kế riêng biệt, không chạy theo xu hướng, không dùng bảng màu đại trà mà sẽ cùng khách hàng tìm ra một bảng màu khả thi, hiệu quả nhất.
Hy vọng loạt bài “Hiểu đúng - Phối chuẩn: Cẩm nang màu sắc” đã giúp bạn biết thêm được những điều cần chú ý khi lựa chọn màu sắc cho nội thất. Và nếu quý khách có nhu cầu cải tạo, xây mới hoặc mua sắm cho ngôi nhà của mình thì đội ngũ Galaxy Links luôn sẵn sàng đồng hành! Hãy liên hệ với chúng tôi ngay để được tư vấn chi tiết hơn!
Ảnh: Galaxy Links, Internet.